Tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Không ngờ quá trình này dẫn đến nhiều rắc rối hơn tôi tưởng.
"Sao lại đóng BHXH tự nguyện?ôiđóngbảohiểmtựnguyệtha bet 88"là câu hỏi tôi nhận được từ chính nhân viên một đơn vị BHXH cấp quận. Tôi khá ngạc nhiên khi nghe cô nói. Cô có ý khuyên tôi không nên tham gia BHXH tự nguyện. Theo cô, BHXH tự nguyện thường chỉ dành cho những người già không đủ năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Tôi nên tiếp tục đi làm cho một công ty nào đó, để công ty này tiếp tục đóng phần lớn BHXH bắt buộc cho tôi.
Nhưng tôi có dự định khác cho cuộc sống của mình. Chi phí tham gia BHXH tự nguyện tôi coi như số tiền để dành. Số tiền này tương đương một bữa ăn hoặc chi phí mua sắm, đám tiệc hàng tháng mà tôi phải chi. Không có nó, tôi vẫn sống ổn. Tôi đóng hàng tháng để đổi lại sự an tâm về tương lai.
Trong quá trình làm thủ tụcđóng BHXH tự nguyện trực tiếp sau đó, tôi tốn khá nhiều thời gian di chuyển và chờ đợi. Vì vậy, tôi tìm hiểu và được biết một số ngân hàng cho phép chuyển BHXH tự nguyện qua ứng dụng điện tử (app). Tôi quyết định đóng qua hình thức này. Phiền toái tiếp tục nảy sinh.
Ngay khi tôi chuyển khoản xong, ứng dụng hiển thị một thông báo ghi nhận số tiền tôi đã đóng kèm theo yêu cầu liên hệ với tổng đài để được hỗ trợ. Tôi gọi đi gọi lại rất nhiều lần, nhưng số máy tổng đài luôn trong tình trạng bận. Tôi tra số điện thoại của cơ quan BHXH quận nơi tôi chuyển khoản, thì số máy này, dù gọi vào giờ hành chính vẫn không thể liên lạc được.
Cực chẳng đã, tôi lại trực tiếp ra quận. Do không lường trước việc BHXH đông người xếp hàng, nên tôi đến bốc số theo thứ tự khá muộn (tầm 10h sáng). Tôi thấy số thứ tự đang làm còn khá xa số của tôi, nên tôi quyết định quay lại vào buổi chiều. Nhưng khi trở lại, tôi được thông báo là những người có số thứ tự cao như tôi phải quay lại vào hôm sau, họ không thể giải quyết hết số đã đăng ký trong ngày.
Trong lần thứ hai ra làm việc, tôi thận trọng đặt lịch hẹn trước qua Cổng dịch vụ công. Điểm cộng của hình thức này là tôi có thể chủ động được thời gian của mình nên không phải chờ đợi quá lâu như lần trước.
Nhưng sau khi tôi trình bày vấn đề của mình, về khoản tiền tôi đã đóng qua ngân hàng, từ người tiếp đón ban đầu đến kế toán, ai cũng cho rằng, đây không phải là nhiệm vụ của họ; nhưng họ cũng không biết ai là người chịu trách nhiệm. Họ chỉ tôi vòng qua lại năm người thuộc nhiều phòng ban khác nhau, sau đó cho biết tài khoản mà tôi chuyển từ ngân hàng đã bị đóng trước đó (tức là BHXH quận đã không còn sử dụng, nhưng không rõ vì sao ứng dụng vẫn chuyển vào). Họ hỏi tôi: "Sao em không lên đây làm thủ tục trực tiếp mà chuyển khoản chi cho phức tạp?".
Trong khi giao dịch trên cổng thông tin điện tử hoặc thanh toán qua ngân hàng là việc cần khuyến khích để giảm tải cho BHXH và tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian cho người dân, họ lại "quạu" tôi như vậy. Tôi ngạc nhiên lần nữa.
Rốt cuộc, vấn đề BHXH tự nguyện của tôi cũng được giải quyết xong, nhưng đây rõ ràng là một trải nghiệm không dễ chịu gì.
Tôi không khỏi thắc mắc giữa ngân hàng và BHXH liệu có đối soát công nợ hàng tháng với nhau không? Và nếu tôi không trực tiếp BHXH để hỏi thăm về phần tiền tôi đã chuyển vào tài khoản (đã đóng) của BHXH thì số tiền này sẽ đi về đâu?
Về việc giải quyết BHXH tại chỗ: nếu đã xác định công việc quá nhiều và mỗi ngày chỉ tiếp được một lượng người nhất định thì chỉ nên để số thứ tự trong phạm vi này để tránh mất thời gian của người dân.
Là một khách hàng, tôi cho rằng, những câu nói gây ngạc nhiên cho tôi, đáng lẽ không nên được sử dụng bởi nhân viên, cán bộ BHXH, trong bối cảnh BHXH tự nguyện đang chật vật tìm cách thu hút người lao động tham gia vào mạng lưới.
Chính sách bảo hiểm xã hội đã thiếu hấp dẫn, có những nhân viên bảo hiểm lại thờ ơ, thiếu tâm huyết và hiểu không đầy đủ về ý nghĩa công việc của mình. Tôi cũng hy vọng những nhân viên mình gặp chỉ là trường hợp cá biệt, bên cạnh nhiều đồng nghiệp của họ, vẫn đang phải cần mẫn "chạy chỉ tiêu" để bán được ngày càng nhiều sản phẩm này.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2023, cả nước có gần 18 triệu lao động khu vực phi chính thức nhưng chỉ 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại hơn 97% không tham gia loại hình bảo hiểm nào.
Tôi đã thành thực tin rằng, BHXH không sớm thì muộn, sẽ được chính những người trong cộng đồng lao động phi chính thức như tôi nhìn nhận đúng hơn. Nhưng sau trải nghiệm của bản thân, tôi nhận ra, muốn thế, trước hết, chính nhân viên bảo hiểm xã hội phải hiểu đúng sản phẩm mình cung cấp và nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Đặng Thị Diễm Thúy